Người học nên tập trung vào việc xây gốc nền tảng từ vựng và ngữ pháp trong giai đoạn đầu của quá trình tự học.
Đối với những người tự ôn luyện TOEIC, giai đoạn bắt đầu là khó khăn nhất do kiến thức rộng cũng như tâm lý hoang mang không biết nên bắt đầu từ đâu. Thầy Thành Phạm (980 TOEIC), giáo viên tại Anh Ngữ Ms Hoa sẽ chia sẻ về lộ trình tự học TOEIC từ 0-900 điểm.
Giai đoạn 1: xây gốc nền tảng (0-350 điểm)
Theo thầy Thành, việc đầu tiên trước khi bắt đầu lộ trình tự học TOEIC là xây dựng thói quen tự học hàng ngày. Hãy dành ra ít nhất 30 phút mỗi sáng để luyện nghe tiếng Anh và tập trung tuyệt đối vào việc học ít nhất một tiếng mỗi ngày. Sau khi đã xác định được mục tiêu và nâng cao tinh thần tự học, chúng ta bắt đầu vào việc xây gốc nền tảng bao gồm ngữ pháp, từ vựng và luyện nghe.
- Ngữ pháp: Người học không nên học những dạng ngữ pháp quá nâng cao (ví dụ như đảo ngữ, câu điều kiện loại hỗn hợp... ) mà nên tập trung vào kiến thức ngữ pháp cơ bản trong tiếng Anh như 6 thì quan trọng: ba thì đơn: hiện tại đơn, quá khứ đơn, tương lai đơn; hai thì tiếp diễn: hiện tại tiếp diễn, quá khứ tiếp diễn; một thì hoàn thành: hiện tại hoàn thành.
Ngoài ra trong giai đoạn này bạn cũng cần lưu ý một số chủ điểm ngữ pháp như: Subject & verb agreement: hòa hợp chủ-vị; Gerunds & to infinitive: V-ing và to V; các loại từ trong câu: danh từ, tính từ, trạng từ...
Những nguồn tài liệu về ngữ pháp có thể tham khảo trong giai đoạn này là sách Grammar in use level beginner và 30 ngày ngữ pháp trọng điểm do đội ngũ Anh Ngữ Ms Hoa biên soạn.
- Từ vựng: Học từ vựng theo các collocations (cụm từ) vì các cụm này xuất hiện khá nhiều trong đề thi TOEIC và nó cũng đảm bảo câu được dịch sát nghĩa. Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng công nghệ vào trong quá trình học thông qua các app học tập như Quizlet hay Quizizz. Các bạn cần lưu ý rằng tần suất gặp từ càng nhiều thì khả năng nhớ càng lâu, vì vậy việc lặp đi lặp lại các từ là rất quan trọng. Học từ luôn đồng hành cùng học phát âm vì vậy người học cần nắm rõ 44 âm tiếng Anh trong bảng phiên âm IPA (International Phonetic Alphabet). Việc nắm vững bảng phiên âm này cũng giúp cải thiện kỹ năng nghe và nói của người học.
- Kỹ năng nghe: Nên chọn những đoạn nghe ngắn (1-2 phút), đơn giản và có tapescripts. Các bạn nên cố gắng hiểu được 60-70% nội dung của những đoạn nghe này. Một số nguồn nghe hiệu quả người học có thể tham khảo là trang web listen a minute hay trang youtube TED-Ed. Để luyện nghe hiệu quả, chúng ta có thể tham khảo 4 bước sau: Nghe không nhìn để tự đánh giá khả năng nghe; nghe và nhìn tapescript để hiểu nội dung; nghe không nhìn tapescript đồng thời chép lại đoạn nghe; nghe và đọc theo đoạn nói.
Giai đoạn 2: làm quen với đề thi (350-500 điểm)
- Từ vựng: Khi đã nắm vững các chủ điểm ngữ pháp căn bản, trong giai đoạn hai của lộ trình tự học TOEIC từ 0-900 điểm người học cần tiến hành học các đơn vị kiến thức mở rộng, nâng cao bao gồm: Mệnh đề quan hệ rút gọn; câu đảo ngữ; liên từ-giới từ; câu điều kiện.
Bộ sách nên tham khảo trong giai đoạn này là hai cuốn TOEIC Preparation Vol 1 & Vol 2. Học theo hai cuốn sách này giúp chúng ta củng cố nền tảng kiến thức tiếng Anh cũng như tìm hiểu sâu hơn đề thi TOEIC.
- Từ vựng: ngoài các từ vựng đã được học và tổng hợp trong các app học tập, người đọc nên tham khảo thêm cuốn 600 essential words for the TOEIC. Sách gồm nhiều chủ điểm quen thuộc với đời sống hàng ngày cũng như bài thi TOEIC, như: General business, office issues...
- Kỹ năng nghe: người học nên tham khảo bộ TOEIC Preparation vì bộ sách cung cấp khá chi tiết các thói quen ra đề, các dạng đề thi cũng như hướng dẫn cách học. Bạn nên tiếp tục áp dụng bốn bước luyện nghe đã nêu ở giai đoạn một để đạt mục tiêu nghe trong giai đoạn này là: Part 1 đúng 4/6 tranh; Part 2 đúng 20/25 câu; Part 3 đúng 25/39 câu.
Giai đoạn 3: luyện đề chuyên sâu (500-750 điểm)
Người học nên tập trung vào các phần chuyên sâu hơn, bao gồm TOEIC Reading Part 6 & 7, đặc biệt là Part 7 từ lâu đã được đánh giá là phần khó nhất với các đoạn đọc dài và số lượng câu hỏi lớn. Để có thể xử lý phần này hiệu quả, người học cần nắm được kỹ thuật Paraphrasing, bao gồm 5 cách: Sử dụng từ đồng nghĩa (Synonyms); sử dụng từ trái nghĩa (Antonyms); sử dụng câu bị động (Passive voice); sử dụng phép liệt kê( listing); sử dụng họ từ (Word family).
Người thi cần giữ thói quen nghe và chữa đề hàng ngày, đặc biệt tập trung vào các phần nghe khó hơn như Part 3 & Part 4, đồng thời nên tham khảo một số bộ đề như: ETS 2020, ETS Summer, YBM hay bộ Sparta.
Giai đoạn tăng tốc và về đích (750-900 điểm)
Bên cạnh việc ôn luyện và làm các đề thi, chúng ta cần đặc biệt chú ý dành thời gian để chữa đề. Thông qua quá trình chữa đề, các bạn có thể tìm ra những lỗi sai thường mắc phải và rút kinh nghiệm, từ đó cải thiện điểm số của bản thân. Với mục tiêu đạt 900 điểm TOEIC, người thi có thể tham khảo các nguồn tài liệu như: bộ TOEIC Hacker, bộ Jim TOEIC hay sách Stimulation Test.
"Hy vọng với lộ trình tự học TOEIC từ 0-900 điểm này các bạn có thể tự xây dựng cho mình một kế hoạch ôn luyện TOEIC hiệu quả ngay tại nhà", thầy Thành Phạm nói.